Thăng Long Hà Nội - Phố Hiến Hưng Yên luôn có mối liên hệ mật thiết trong quá trình phát triển. Cả hai vùng đất có truyền thống văn hiến này luôn có sự giao thoa, cùng sản sinh và nuôi dưỡng nhân tài đất Việt. Điển hình như Vũ Trọng Phụng, một người con của xứ nhãn Hưng Yên đã vang danh trên mảnh đất 36 phố phường vào đầu thế kỷ 20 với danh hiệu "Vua phóng sự đất Bắc".
Tuy thời gian cầm bút ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số tác phẩm của ông được đưa vào chương trình văn học nhà trường.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó, Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay mang tên Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục xì đã góp phần tạo nên danh hiệu "ông vua phóng sự của đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.
Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều các tệ nạn, thói ăn chơi trong xã hội nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ.
Khoảng năm 1938, ông bị lao phổi, nhưng không có tiền chữa bệnh. Nghe theo lời thầy thuốc, ông hút thuốc phiện để kéo dài cuộc đời mình. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này". Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1939, khi mới 27 tuổi.
Tác giả bài viết: Trí Dũng (Sưu tầm)
Nguồn tin: hungyentv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn