Danh nhân Nguyễn Đình Nghị
Những năm 1920, ông bắt đầu cải tổ hai rạp hát lớn nhất Hà Nội bấy giờ là Sán Nhiên đài và Cải lương hí viện thành các điểm diễn chèo cải lương của mình. Sau đó ông tự thành lập và quản lý các ban hát như Tự Lập ban, Nghị Lập ban, Đức Thịnh ban, Việt Hoa ban, Như Ý ban và Đan Thanh ban. Ông mở đầu cho trào lưu chèo cải lương, kéo dài từ những năm 1920, 1930 đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Trong tổng số 34 kịch bản chèo của Nguyễn Đình Nghị sáng tác trong khoảng thời gian “sung sức” nhất của mình (từ năm 1923 đến 1933), có 11 kịch bản đề tài hiện đại.
Đưa chèo đi vào đề tài hiện đại, Nguyễn Đình Nghị không chỉ mở rộng đề tài mà ông còn mở rộng biên độ nhân vật, để nhân vật của chèo đa dạng hơn, mới mẻ hơn. Trong các vở chèo đề tài hiện đại của ông không còn những loại vai sinh, đào, lão, mụ quen thuộc ở chèo cổ mà đã xuất hiện những loại nhân vật mới. Họ là những mẫu người đang sống ngay trong xã hội đương thời: nhà chủ, phú hộ, cậu ấm, viện đội, thày lang, ông đồ, bà chánh, lý trưởng, thư đồng, chủ quán, cô đầu, quản gia, chủ nợ, người cho thuê nhà, những người làm thuê,…
Nội dung hầu hết các tác phẩm đề tài hiện đại của Nguyễn Đình Nghị đều là những câu chuyện đời thường xảy ra trong khuôn khổ gia đình, ngỡ như chẳng dính dáng, liên quan đến chuyện quốc gia đại sự, nhưng không phải vậy. Ai cũng hiểu gia đình là hạt nhân của xã hội, nhiều gia đình hợp lại thành xã hội, hay nói cách khác gia đình cũng giống như xã hội thu nhỏ mà thôi.
Nguyễn Đình Nghị đã khéo léo mượn những chuyện vẫn thường xảy ra trong những gia đình tiểu tư sản thành thị lúc bấy giờ để phanh phui, phê phán lối sống ích kỷ, đạo đức giả, tầm thường, thấp kém, trụy lạc của một bộ phận không nhỏ những người sống cầu an hưởng lạc đã quên đi nợ nước thù nhà.
Nguyễn Đình Nghị đã phản ánh được những mâu thuẫn mới phát sinh trong đời sống xã hội lúc bấy giờ trong các tác phẩm chèo đề tài hiện đại. Đó là những mâu thuẫn trong các mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, ông chủ và đầy tớ. Tuy chưa thật gay gắt, quyết liệt nhưng cũng đủ để cảnh báo một thực trạng bất ổn của đời sống xã hội. Nó đã báo hiệu sự rạn nứt của nền tảng đạo đức truyền thống. Những thuần phong mỹ tục đang bị xoá bỏ và thay vào đó là lối sống lãng mạn, tiêu cực, lố lăng, ăn chơi truỵ lạc theo trào lưu Âu hoá mà thực dân Pháp đang ra sức tuyên truyền cổ động (như trong các vởÔng Đồ cổ, Say và tỉnh, Mảnh gương nhân sự, Trận cười thứ ba và Trận cười thứ tư).
Trong đời sống gia đình Việt
Đặc biệt trong các vở chèo đề tài hiện đại của Nguyễn Đình Nghị, các nhân vật vợ nhỏ, vợ lẽ, hầu thiếp, nàng hầu, tuy cũng là thân phận phải làm lẽ nhưng họ lại có tính cách, bản chất khác hẳn loại nhân vật mụ dì ghẻ độc ác ta thường thấy trong các tích chèo cổ. Là nạn nhân của tư tưởng đa thê trọng nam, khinh nữ, nhưng họ biết chịu đựng và vượt lên số phận, trở thành những thành viên tích cực trong gia đình, làm tròn bổn phận, góp phần vào việc giữ gìn cơ nghiệp, đạo đức gia phong (vở Trận cười thứ tư, Tờ tranh bí mật, Say và tỉnh, Chữa bệnh ghen).
Trong bối cảnh xã hội lúc đó Nguyễn Đình Nghị đã có được cái nhìn đầy thiện cảm đối với những con người thuộc tầng lớp nhân dân lao động, có thể vì ông đã sớm nhận thấy và tin tưởng họ chính là lực lượng chủ lực một ngày không xa sẽ vùng lên xoay chuyển thời cuộc, thay đổi thân phận mình và giải phóng non sông, đất nước.
Nguyễn Đình Nghị chủ trương đưa vào chèo đề tài hiện đại với mục đích phản ánh cuộc sống đương đại và đáp ứng kịp thị hiếu mới của tầng lớp khán giả thành thị. Để đạt được mục đích, Nguyễn Đình Nghị đã đổi mới, cách tân chèo theo hướng tả thực của kịch Thái Tây, học ở kịch Thái Tây lối phân ra màn, cảnh, lối bài trí sân khấu như thật, lối diễn như điệu bộ ngoài đời, tạo cho khán giả có cảm giác là cuộc sống đang diễn ra thật trên sân khấu.
Ở hầu hết các vở chèo đề tài hiện đại, Nguyễn Đình Nghị đã bỏ lớp trò giáo đầu (vốn thường được ông sử dụng quen thuộc ở những vở chèo thuộc những dạng đề tài khác), bỏ bớt lối xưng danh của nhân vật khi ra trò, chỉ sử dụng một cách hạn chế những làn điệu chèo truyền thống, tước bỏ bớt múa trong diễn xuất của diễn viên, sử dụng khá nhiều các loại làn điệu dân ca ba miền, xử lý ánh sáng khi mờ, khi tỏ như trong kịch phương tây…
Không tham gia cách mạng, nhưng Nguyễn Đình Nghị là một chí sĩ, nghệ sỹ yêu nước. Ông đã dũng cảm dùng nghệ thuật chèo chuyển tải tư tưởng yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc tới công chúng khán giả, hô hào mọi người đứng lên chống Pháp:
“Hỡi ai con Lạc cháu Hồng
Đứng lên đòi lại non sông của mình”
(vở Kêu trời rằng oan)
Chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội đã coi Nguyễn Đình Nghị là thành phần nguy hiểm, bắt giam ông 7 tháng, rồi đưa ông về Bến Xuôi, Tiên Lữ, Hưng Yên quản thúc và cấm ông viết vở. Nhưng Nguyễn Đình Nghị không cam chịu, từ Bến Xuôi ông vẫn soạn vở gửi ra Hà Nội cho người cháu là Nguyễn Đình Hi đứng tên và dàn dựng.
Hết hạn quản thúc, Nguyễn Đình Nghị lại dời Bến Xuôi ra Hà Nội tiếp tục nghiệp chèo. Năm 1948, ông được tướng Nguyễn Sơn mời vào Thanh Hoá tham gia công tác văn nghệ kháng chiến. Ông đã sáng tác được hai kịch bản chèo đề tài hiện đại: Lên đường kháng chiến và Tăng gia sản xuất. Ông mất ngày 13 tháng 5 năm 1954 tại Hà Nội.
Sau gần 50 năm gắn bó với chèo, Nguyễn Đình Nghị đã để lại một di sản quý giá cho nền sân khấu dân tộc. Ông đã dành trọn cuộc đời mình với tất cả tài năng và tâm huyết để gây dựng, duy trì và phát triển nghệ thuật chèo trên đất Thăng Long- Hà Nội. Đến nay, nhiều tác phẩm của ông vẫn được các tác giả, đạo diễn, diễn viên khai thác, dàn dựng lại và được công chúng khán giả đón nhận, hoan nghênh bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm ấy.
(Tham khảo nguồn: Người đưa chèo ra phố, Nguyễn Đình Nghị Bách khoa toàn thư Việt
Tác giả bài viết: Trí Dũng
Nguồn tin: hungyentv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn