Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm
Dương Quảng Hàm sinh ngày 14- 7- 1898 ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con thứ 6 trong một gia đình có truyền thống nho học. Cụ nội Dương Duy Thanh (1804-1861) là Đốc học Hà Nội và là tác giả văn bia Đồng Nhân ca tụng công trạng Hai Bà Trưng. Thân phụ là Dương Trọng Phổ (1862- 1927) và anh cả là Dương Bá Trạc (1884- 1944) đều tham gia Đông Kinh nghĩa thục, hai cha con bị đầy đi Côn Đảo năm 1909.
Thủa nhỏ, Dương Quảng Hàm theo Hán học, sau chuyển sang Tây học, trúng tuyển vào khóa đầu tiên của ban văn trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Năm 1920, ông thi tốt nghiệp và đỗ thủ khoa với luận văn "Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”. Từ 1920 đến 1945, Dương Quảng Hàm là giáo sư trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), thường gọi là trường Bưởi. Sau vụ học trò để tang Phan Châu Trinh (1925), ông bị đuổi đi Nam Định dạy học một thời gian ngắn rồi lại về dạy trường cũ.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, Dương Quảng Hàm được cử làm thanh tra trung học vụ, sau đó làm Hiệu trưởng trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ). Toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội, ông bị quân Pháp bắt và sát hại trên đường tản cư từ nội thành đang có chiến sự ra vùng kháng chiến.
Suốt 25 năm từ lúc tốt nghiệp cao đẳng sư phạm cho đến khi mất, Dương Quảng Hàm gắn bó với nghề dạy học. Thời gian đầu, ông dạy ở bậc cao đẳng tiểu học trong các môn tiếng Pháp, tiếng Việt, sử địa. Về sau ông chủ yếu dạy Việt văn ở bậc trung học. Nghề dạy học đã đưa nhà giáo Dương Quảng Hàm đến công việc viết sách giáo khoa, soạn các văn tuyển dùng trong nhà trường.
Công việc biên khảo này, ở vào bước đầu của một nền học thuật mới, trên thực tế là công việc của một nhà nghiên cứu văn học, một cây bút văn học sử. Và Dương Quảng Hàm trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của thế hệ học giả thứ nhất nghiên cứu và trình bày thực tiễn lịch sử văn học, văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng một nền học thuật mới, một nền kiến thức mới mang tính quốc tế hóa, tiếp nhận tri thức phương tây, bảo tồn và đổi mới nền kiến văn phương Đông. Trước và sau Dương Quảng Hàm, nhưng cũng thế hệ ấy, là những tên tuổi của Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Lê Dư, Nguyễn Văn Ngọc..v.v.
Trên hướng đi tới một bộ văn học sử Việt Nam, Dương Quảng Hàm đã soạn các cuốn "Quốc văn trích diễn - 1925, Việt Nam giáo khoa thư (bậc cao đẳng tiểu học)". Và đến năm 1939 thì hoàn thành công trình chủ yếu của đời ông, là bộ sách "Trung học Việt văn giáo khoa thư" gồm hai quyển: Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển. Bộ sách được công bố lần đầu vào năm 1943, và tính đến nay, riêng cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" đã được tái bản gần 20 lần. Trong dạng thức "Giản yếu" của sách giáo khoa trung học, bộ sách vẫn là một nỗ lực đáng kể nhằm phác họa lịch sử văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hiện tại.
Văn học Việt Nam được nhà nghiên cứu trình bày ở cả chiều đồng đại lẫn lịch đại, cả ở mặt cấu trúc lẫn chức năng. Tác giả tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mình ở nhiều góc độ: văn hóa học, xã hội học văn hóa, nghệ thuật học, thi học... Những ưu điểm của bộ sách đã ảnh hưởng tốt đến nhiều công trình văn học sử của hậu thế. Bản thân bộ sách vẫn còn được dùng như tài liệu tham khảo tốt, tính đến hiện nay.
Ngoài công trình chủ yếu trên đây, Dương Quảng Hàm còn là soạn giả một loạt sách giáo khoa về sử học, về Pháp văn. Đương thời, ông cũng là cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí ở Hà Nội thời kỳ 1920- 1945 như Hữu Thanh, Nam Phong, Văn học tạp chí, Bulletin général de l"Instruction publique (học chính phổ thông)... Một số công trình dịch thuật, biên khảo về văn học của ông được in ngay lúc sinh thời (ví dụ bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, in 1944- 1945 ở Hà Nội) hoặc được học trò ông công bố khá lâu sau khi ông mất (ví dụ cuốn Lý Văn Phức, tiểu sử, văn chương, nhà Nam Sơn in ở Sài Gòn khoảng 1955- 1965).
Về công trình của Dương Quảng Hàm sau cách mạng tháng Tám 1945 còn có những sưu tập ca dao dân gian dùng cho lớp phổ thông đệ nhất niên và lớp phổ thông đệ tam niên, dù mỏng, vẫn mang nhan đề Việt văn hợp tuyển. Tư liệu này cho thấy sau biến chuyển lớn này của lịch sử dân tộc, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã thấy phải tăng thành phần thơ ca dân gian cho chương trình dạy văn phổ thông.
Đóng góp của Dương Quảng Hàm với tư cách nhà sư phạm và nhà nghiên cứu văn học ngày càng được hậu thế ghi nhận. Tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và thành phố Hưng Yên đã có đường phố mang tên Dương Quảng Hàm. Đó là vinh dự xứng đáng đối với một người có cống hiến đáng kể cho văn hóa và giáo dục Việt Nam.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm
Dương Quảng Hàm sinh ngày 14- 7- 1898 ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con thứ 6 trong một gia đình có truyền thống nho học. Cụ nội Dương Duy Thanh (1804-1861) là Đốc học Hà Nội và là tác giả văn bia Đồng Nhân ca tụng công trạng Hai Bà Trưng. Thân phụ là Dương Trọng Phổ (1862- 1927) và anh cả là Dương Bá Trạc (1884- 1944) đều tham gia Đông Kinh nghĩa thục, hai cha con bị đầy đi Côn Đảo năm 1909.
Thủa nhỏ, Dương Quảng Hàm theo Hán học, sau chuyển sang Tây học, trúng tuyển vào khóa đầu tiên của ban văn trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Năm 1920, ông thi tốt nghiệp và đỗ thủ khoa với luận văn "Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”. Từ 1920 đến 1945, Dương Quảng Hàm là giáo sư trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), thường gọi là trường Bưởi. Sau vụ học trò để tang Phan Châu Trinh (1925), ông bị đuổi đi Nam Định dạy học một thời gian ngắn rồi lại về dạy trường cũ.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, Dương Quảng Hàm được cử làm thanh tra trung học vụ, sau đó làm Hiệu trưởng trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ). Toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội, ông bị quân Pháp bắt và sát hại trên đường tản cư từ nội thành đang có chiến sự ra vùng kháng chiến.
Suốt 25 năm từ lúc tốt nghiệp cao đẳng sư phạm cho đến khi mất, Dương Quảng Hàm gắn bó với nghề dạy học. Thời gian đầu, ông dạy ở bậc cao đẳng tiểu học trong các môn tiếng Pháp, tiếng Việt, sử địa. Về sau ông chủ yếu dạy Việt văn ở bậc trung học. Nghề dạy học đã đưa nhà giáo Dương Quảng Hàm đến công việc viết sách giáo khoa, soạn các văn tuyển dùng trong nhà trường.
Công việc biên khảo này, ở vào bước đầu của một nền học thuật mới, trên thực tế là công việc của một nhà nghiên cứu văn học, một cây bút văn học sử. Và Dương Quảng Hàm trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của thế hệ học giả thứ nhất nghiên cứu và trình bày thực tiễn lịch sử văn học, văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng một nền học thuật mới, một nền kiến thức mới mang tính quốc tế hóa, tiếp nhận tri thức phương tây, bảo tồn và đổi mới nền kiến văn phương Đông. Trước và sau Dương Quảng Hàm, nhưng cũng thế hệ ấy, là những tên tuổi của Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Lê Dư, Nguyễn Văn Ngọc..v.v.
Trên hướng đi tới một bộ văn học sử Việt Nam, Dương Quảng Hàm đã soạn các cuốn "Quốc văn trích diễn - 1925, Việt Nam giáo khoa thư (bậc cao đẳng tiểu học)". Và đến năm 1939 thì hoàn thành công trình chủ yếu của đời ông, là bộ sách "Trung học Việt văn giáo khoa thư" gồm hai quyển: Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển. Bộ sách được công bố lần đầu vào năm 1943, và tính đến nay, riêng cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" đã được tái bản gần 20 lần. Trong dạng thức "Giản yếu" của sách giáo khoa trung học, bộ sách vẫn là một nỗ lực đáng kể nhằm phác họa lịch sử văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hiện tại.
Văn học Việt Nam được nhà nghiên cứu trình bày ở cả chiều đồng đại lẫn lịch đại, cả ở mặt cấu trúc lẫn chức năng. Tác giả tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mình ở nhiều góc độ: văn hóa học, xã hội học văn hóa, nghệ thuật học, thi học... Những ưu điểm của bộ sách đã ảnh hưởng tốt đến nhiều công trình văn học sử của hậu thế. Bản thân bộ sách vẫn còn được dùng như tài liệu tham khảo tốt, tính đến hiện nay.
Ngoài công trình chủ yếu trên đây, Dương Quảng Hàm còn là soạn giả một loạt sách giáo khoa về sử học, về Pháp văn. Đương thời, ông cũng là cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí ở Hà Nội thời kỳ 1920- 1945 như Hữu Thanh, Nam Phong, Văn học tạp chí, Bulletin général de l"Instruction publique (học chính phổ thông)... Một số công trình dịch thuật, biên khảo về văn học của ông được in ngay lúc sinh thời (ví dụ bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, in 1944- 1945 ở Hà Nội) hoặc được học trò ông công bố khá lâu sau khi ông mất (ví dụ cuốn Lý Văn Phức, tiểu sử, văn chương, nhà Nam Sơn in ở Sài Gòn khoảng 1955- 1965).
Về công trình của Dương Quảng Hàm sau cách mạng tháng Tám 1945 còn có những sưu tập ca dao dân gian dùng cho lớp phổ thông đệ nhất niên và lớp phổ thông đệ tam niên, dù mỏng, vẫn mang nhan đề Việt văn hợp tuyển. Tư liệu này cho thấy sau biến chuyển lớn này của lịch sử dân tộc, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã thấy phải tăng thành phần thơ ca dân gian cho chương trình dạy văn phổ thông.
Đóng góp của Dương Quảng Hàm với tư cách nhà sư phạm và nhà nghiên cứu văn học ngày càng được hậu thế ghi nhận. Tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và thành phố Hưng Yên đã có đường phố mang tên Dương Quảng Hàm. Đó là vinh dự xứng đáng đối với một người có cống hiến đáng kể cho văn hóa và giáo dục Việt Nam.
Tác giả bài viết: Trí Dũng (Sưu tầm)
Nguồn tin: hungyentv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn