Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình
(Ảnh: Internet)
Lấy cớ thay mặt đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, quân Anh, quân Tưởng với ý đồ riêng của mình ào ạt tràn vào Đông Dương. Đặc biệt, thực dân Pháp lăm le với dã tâm dựa hơi đồng minh để thực hiện tiến hành cướp nước ta một lần nữa. Cách mạng Việt Nam đứng trước thử thách vô cùng to lớn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, trải qua 3 cuộc diễn tập lớn của cách mạng Việt Nam (phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939, đấu tranh để tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1939-1945), đến đầu năm 1945, tinh thần và phong trào cách mạng đã lan tỏa ở cả Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ.
Trước diễn biến mau lẹ của cuộc chiến tranh Thế giới lần II, phong trào cách mạng ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có sự biến đổi và chuyển biến không ngừng. Ngay sau khi Nhật đảo chính “hất cẳng” Pháp (9/3/1945), Đảng đã triệu tập Hội nghị của Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, bàn và quyết định những vấn đề mới của cách mạng như: thay đổi cách thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh với hình thức phù hợp. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, với nhiều quyết sách quan trọng, đồng thời thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Từ đây cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra vô cùng mạnh mẽ.
Để thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng, đầu tháng 5/1945 Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển căn cứ từ Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang. Liên tiếp những ngày, tháng sau đó các hội nghị, cuộc họp quan trọng được triệu tập để ra các quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đặc biệt khuya ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa; ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập và thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”, quy định quốc kỳ, quốc ca, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương (tức Chính phủ lâm thời) do Lãnh tụ Hồ Chí Mình làm Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa.
Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở cả 3 kỳ từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945. Trong đó khởi nghĩa thắng lợi tại Hà Nội ngày 19/8 có vai trò cực kì quan trọng, làm động lực cho chính quyền cách mạng và nhân dân ở các địa bàn: Sài Gòn – Gia Định, Huế, Hải Phòng, KonTum, Bạc Liêu,… nhất tề đứng lên giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước cuộc mít tinh của hơn 80 vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, trịnh trọng tuyên bố với Quốc dân, đồng bào và nhân dân các nước trên Thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Châu Á.
Cuộc Cách mạng tháng 8 thắng lợi và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã đánh dấu một sự kiện trọng đại mở ra một trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam; Từ nay nước Việt Nam từ thân phận là quốc gia phụ thuộc, nô lệ đã trở thành một đất nước tự do và độc lập; người dân Việt Nam đã thực sự làm chủ vận mệnh của mình.
Hơn 70 năm đã trôi qua, hàng năm cứ đến dịp này mỗi người con dân của Đất Việt lại sống lại khí thế hào hùng của cuộc cách mạng tháng 8. Cũng hơn 70 năm qua, tầng lớp các thế hệ lãnh đạo và toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn luôn mang trong mình tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng 8 và ngày Quốc khánh 2/9.
Với sự đoàn kết, đồng lòng, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta để bước qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, ngày nay đất nước ta đã có những bước chuyển biến tích cực và chuyển mình mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…. Thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, uy tín vị thế quốc gia trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước cũng ngày càng bộc lộ: Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; Vấn đề môi trường, các lĩnh vực liên quan đến đất đai còn nhiều bức xúc; công tác tổ chức, luân chuyển, cất nhắc bổ nhiệm cán bộ… còn nhiều hạn chế bất cập; toàn cầu hóa và những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới; thách thức trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… Đặc biệt, một thứ giặc “nội xâm” - nạn quan liêu, tham nhũng ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến vận mệnh của Đảng và chế độ cũng như sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.
Cùng với khí thế của cuộc cách mạng tháng 8 và kỷ niệm 72 năm ngày lập nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết TW 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 9/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề năm 2017 về phòng, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết TW 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng - giao Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng và cơ quan Thường trực xây dựng kế hoạch “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng và cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo”, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh: Đấu tranh Phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội; “Đấu tranh Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế…” và “cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy, rồi tất cả nóng lên…”
Phát huy tinh thần Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách và thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng tạo thành một khối vững chắc, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hùng cường; giữ gìn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để dân tộc ta, đất nước ta mãi mãi trường tồn cùng lịch sử nhân loại./.
Tác giả bài viết: Đình Khương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn