Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Thứ sáu - 11/03/2022 16:18
Theo C02, Bộ Công an, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, chi phí cao, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh thiếu niên phát sinh nhu cầu vay tiền để phục vụ nhu cầu tiêu xài cá nhân, sử dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc… Lợi dụng tình trạng trên, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền.Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển sang lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (zalo, facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là thay cho tiền lãi bất chính). Lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống, ép người đi vay dùng tiền vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Một số hợp đồng tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. Tại một số địa phương vẫn xảy ra vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với các hành vi giết người, cướp tài sản, giết người liên quan đến vay nợ, “tín dụng đen”. Hành vi của đối tượng dã man, côn đồ, coi thường tính mạng của người khác, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân. Một số đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí để phục vụ hoạt động “tín dụng đen”. Phần lớn các đối tượng (cá nhân, băng nhóm) hoạt động cho vay lãi nặng truyền thống, qua điều tra các đối tượng đã cho vay lãi nặng nhiều người trong thời gian dài, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Có đối tượng thành lập doanh nghiệp hoạt động hoặc núp bóng hình thức cầm đồ online, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng cho gái mại dâm vay tiền, thế chấp hình ảnh, video nhạy cảm,… Trước thực trạng đó, ngày 20/12/2021, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12/2021.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đang lấy lời khai của đối tượng cho vay nặng lãi.
Theo Nghị quyết, khái niệm "cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: - Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. - Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính. - Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền. Việc xác định tư cách tố tụng của người vay: Trong vụ án hình sự, người cho vay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 BLHS thì người vay tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm: - Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với: + Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay; + Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay; + Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác. - Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự: - Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay. - Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn. - Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể - Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. - Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. - Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. - Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. - Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày 24/12/2021 theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.