Hưng Yên: đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2019
Thứ năm - 20/06/2019 16:53
Ngày 30-5-2019, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Hưng Yên đã ký ban hành Chương trình số 12-CTr/BCĐ Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp (CCTP) năm 2019 gửi Ban Chỉ đại CCTP Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (để báo cáo), Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Đảng đoàn MTTQVN tỉnh, các ngành: Công an, VKSND, TAND tỉnh, Sở tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban thường vụ các huyện, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, theo đó Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh xây dựng nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức thực hiện như sau: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chương trình số 03-CTr/BCĐ ngày 06-9-2016 của Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh về Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021; các chỉ thị số: 35-CT/TU, 36-CT/TU và 37-CT/TU ngày 28-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác cơ quan nội chính năm 2019. Tổ chức tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020; 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư (bằng hình thức phù hợp). Các cơ quan tư pháp tiếp tục làm tốt công tác phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo hoặc giao Ban Nội chính Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, đôn đốc giải quyết. Các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, Cơ quan thi hành án dân sự theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, nhất là cấp huyện. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Rà soát, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định để tuyển dụng, bố trí cán bộ hợp lý, nhất là đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên, chấp hành viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Sở Tư pháp tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp và tổ chức hành nghề luật sư. Phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, đa dạng lĩnh vực, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có kiến thức pháp lý cần thiết để phục vụ hoạt động tố tụng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhất là thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức công chứng, bán đấu giá tài sản hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp; các quy định, chính sách mới trong các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tư pháp, định kỳ nghe báo cáo và cho ý kiến định hướng về công tác tư pháp ở đơn vị, địa phương mình; triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại đơn vị, địa phương mình. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tư pháp. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp. Uỷ ban nhân dân các cấp quan tâm hỗ trợ bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp: Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09-11-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cải cách tư pháp tại một số cấp ủy cấp huyện và các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy có liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Căn cứ Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2019, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các cơ quan đơn vị có liên quan và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, chủ động báo cáo đề xuất với Thường trực Ban Chỉ đạo các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đôn đốc thực hiện Chương trình này; tổng hợp kết quả, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và Trung ương theo quy định./.