Hưng Yên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng
Thứ hai - 01/07/2019 14:15
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện công tác PCTN. Nhờ đó, công tác PCTN của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh Hội nghị
Bên cạnh việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về PCTN như: Luật PCTN, các Nghị định, hướng dẫn thực hiện Luật; Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) và Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và nhiều Chỉ thị, Quy định của Bộ Chính trị, BCH Trung ương, nhất là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN ngày 25.6.2018. Trong đó, tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực, chỉ đạo đẩy mạnh việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt”… Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 11 Chỉ thị và nhiều chương trình kế hoạch, thông báo, công văn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, lãng phí, như: Chỉ thị số 29 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, lãng phí; Kế hoạch số 47 của Ban thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí (Kết luận số 10); Kế hoạch số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 126 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020… Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Khi phát hiện vi phạm đã kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng công khai đường dây nóng tại những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, dễ nảy sinh các hành vi tham nhũng nhằm tiếp nhận thông tin về tình trạng tham nhũng. Kết quả, từ tháng 1.2018 đến hết quý I năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra, giám sát 24 tổ chức đảng và 72 đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và một số nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, thực hiện một số kết luận, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cấp ủy các cấp và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát theo chuyên đề đối với hàng trăm đảng viên và tổ chức đảng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chấp hành quy chế làm việc, chế độ công tác; chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Đồng thời kiểm tra một số tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 84 đảng viên vi phạm, trong đó có 13 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật với lỗi vi phạm là tham nhũng, cố ý làm trái quy định; thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng vi phạm. Trong các cuộc kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiều cuộc có nội dung đánh giá, kết luận liên quan đến việc PCTN, lãng phí. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã thi hành kỷ luật 2 đảng viên là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cùng với đó, cơ quan thanh tra tăng cường thanh tra trên các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Theo tổng hợp, từ năm 2018 đến hết quý I năm 2019 toàn tỉnh đã tiến hành trên 480 cuộc thanh tra hành chính. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy đưa các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc ra xử lý. Theo đó từ tháng 1-2018 đến hết quý I năm 2019 đã đưa 15 vụ án, vụ việc ra xử lý, trong đó đã xét xử xong 9 vụ. Hiện Ban Nội chính Tỉnh ủy đang đôn đốc các ngành chức năng giải quyết theo quy định của Pháp luật. Cùng với đó, việc tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng, kinh tế cũng được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng; công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trục lợi cũng được các cơ quan làm án của tỉnh phối hợp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Qua công tác thanh tra, điều tra, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế đã thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước số tiền gần 5,8 tỷ đồng và gần 200m2 đất; tuyên phạt tù có thời hạn 28 bị cáo và phạt tù nhưng cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ 24 bị cáo… Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Đẩy mạnh cải cách hành chính; kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN; tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trong các cơ quan chống tham nhũng.
Tác giả bài viết: Bùi Tiến Duy - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy