Phạm vi, cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tiêu cực
Thứ năm - 11/08/2022 09:12
Ngày 01/8/2022, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ký ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực; trong đó quy định rõ về phạm vi, cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tiêu cực. Cụ thể:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
1. Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1.1. Liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 1.2. Liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ, chức danh tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng và tương đương. 1.3. Liên quan đến cán bộ, đảng viên tuy không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nêu tại tiểu mục 1.2, mục 1, Phần IV Hướng dẫn này, nhưng hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 1.4. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng có thể làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án, xử lý vụ việc; các vụ án tiêu cực đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 1.5. Các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xét thấy cần thiết trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. 2. Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực sau: 2.1. Vụ án, vụ việc tiêu cực do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. 2.2. Vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác dư luận xã hội quan tâm ngoài vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp ủy địa phương còn có quan điểm khác nhau. 2.3. Vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác ngoài vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo mà Ban Nội chính Trung ương xét thấy cần thiết theo dõi, đôn đốc. 3. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực sau: 3.1. Trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương. 3.2. Liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý (theo phân cấp của Bộ Chính trị). 3.3. Các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao hoặc được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đề nghị tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. 3.4. Các vụ án, vụ việc tiêu cực khác dư luận xã hội quan tâm mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương còn có quan điểm khác nhau; các vụ án tiêu cực đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, dư luận xã hội quan tâm. 4. Cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan chức năng của địa phương với nhau trong xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc thực hiện theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và vận dụng Công văn số 23-CV/BCĐTW, ngày 01/8/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh mà Hướng dẫn này chưa bao quát hết thì căn cứ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo xử lý; nếu vẫn chưa xử lý được thì báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương.Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Hướng dẫn thì báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương (qua Ban Nội chính Trung ương) xem xét, quyết định.